Mấy suy nghĩ về thế giới nghệ thuật thơ Thanh Thảo

Posted by Rurutomi Vanduc on 05:46 0 nhận xét


Thanh Thảo - nghĩa khí và cách tân
Xem thêm bài khác
Nghĩ cũng vui, cái duyên thơ Thanh Thảo - Chế Lan Viên thời chống Mỹ có gì giống với Xuân Diệu - Thế Lữ thời tiền chiến. Khi vừa nhận được chùm thơ lạ ký tên Xuân Diệu gửi đến báo Ngày nay của Tự Lực Văn Đoàn, mắt xanh của con-hổ-nhớ-rừng đã thấy ra chàng hoàng tử tương lai của Thơ mới rồi. 
Nhưng chúa sơn lâm vẫn nán mai phục thêm chút (tất nhiên không phải để xơi tái con mồi như những con hổ khác!) nên chưa vội lăng-xê. Không lâu sau, nhiều bài nữa đã liên tiếp gửi đến, tức thì Thế Lữ hoan hỉ loan báo về Xuân Diệu bằng những lời trọng đại “Loài người hãy hiểu con người ấy!”. Xem tiếp những hồi sau, người đời đã rõ: những gì diễn ra với Xuân Diệu đều y chang tiên đoán của Thế Lữ. Còn Chế Lan Viên, bấy giờ đang trông coi trang thơ ở tờ Tác phẩm mới của Hội Nhà văn. Một hôm, đến tay ông bài thơ lạ gửi ra từ chiến trường. Thấy rõ là một bài thơ thật hay, thế mà chả hiểu sao, ông lại nghĩ nó đau thương quá, nên... cũng không cho in, và... cũng nán đợi. Thì ra, những con hổ về già đều quá là thận trọng! Một độ sau, vượt qua bao bom đạn, một loạt bài mới của tác giả kia lại về được đến thủ đô. Đến lúc này, thì Chế Lan Viên đã bạo tay làm phắt một việc xưa nay chưa từng làm, mà cũng chưa từng có: lăng-xê hẳn một chùm cực sai quả, nhiều tới tận mười ba bài! Ông ưu ái cá nhân? Ông ưu tiên chiến trường? Ông rộng tay với cánh trẻ? Có thể thế, cũng có thể không. Mà có khi chỉ đơn giản: phải làm đến thế ông mới đành, mới đã cũng nên.
Thi đàn chống Mỹ, từ đấy, có Thanh Thảo. 
1. Lấp lánh chất người
Tôi đã hỏi Thanh Thảo, cái bài đầu lòng duyên may phận rủi đó là gì. Mới hay là bài Thử nói về Hạnh phúc. Đọc nó, cứ tiếc, giá hồi ấy Chế Lan Viên đừng e ngại quá, cứ mạnh dạn in thì còn đã biết mấy! Vì sao ư? Vì nó hay. Vì nó đau thương mà rắn rỏi! Và vì ngay từ đó, Thanh Thảo đã là Thanh Thảo rồi. Nghĩa là quan niệm nhân sinh, quan niệm thơ, lối tạo hình, giọng điệu, nhất là mối trăn trở của một đời thơ... chừng như đã định rồi. Tôi rất chú ý cái đoạn: 
hạnh phúc nào cho tôi
hạnh phúc nào cho anh
hạnh phúc nào cho chúng ta
hạnh phúc nào cho đất nước
những câu hỏi chưa thể nào nguôi được
mảnh đất hôm nay bè bạn chúng ta nằm
nơi máu đổ phải sống bằng thực chất
nơi cao nhất thử lòng ta yêu đất nước
thử lòng ta chung thuỷ vô tư
nơi vỡ vụn dưới chân ta những mảng đêm hèn nhát
những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất người.

Có người bảo Thanh Thảo là nhà thơ công dân, chỉ trăn trở chuyện bổn phận với dân nước, thời cuộc. Cũng đúng thôi. Cũng vẻ vang thôi. Những câu kia có thể làm bằng. Nhưng e chưa thật trúng. Chính những tiếng thơ đầu đời đó còn chứa bằng chứng khác.Tôi quyết rằng, trước Thanh Thảo chưa có thi sĩ nào viết ra cái câu cuối kỳ kỳ vậy. Người khác có thể chỉ dừng ở “gương mặt ngẩng lên lấp lánh”. Với họ, thế là đủ, là kiệm lời. Đã “lấp lánh”, lại còn “chất người”, thì lộ quá, thừa quá. Nhưng Thanh Thảo thì cứ phải là “lấp lánh chất người”. Thậm chí, cứ dứt khoát là “Những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất người”. Chữ “chất người” không chịu nằm yên ở tầng hàm ngôn. Nó cứ trồi lên, cứ nhất thiết phải hiển ngôn. Sao thế? Nó là nhãn tự của câu chăng? Không. Không phải nhãn tự của một câu thơ. Mà là nhãn tự của một đời thơ! Chẳng phải thế sao, chất người chính là nỗi trăn trở, niềm day dứt cả đời Thanh Thảo! Khi còn cầm súng, cũng thế. Khi chỉ chuyên cầm bút thôi, cũng thế: “Học làm người cao hơn núi non”(Những khoảng sáng khác nhau), “tôi yêu / chất người đầu tiên / những giọt sương lặn vào lá cỏ / qua nắng gắt qua bão tố / vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh / vẫn long lanh bình thản trước vầng dương” (Bùng nổ của mùa xuân), “mong một ngày hiện rõ / chất thật mỗi con người”, “ta sẽ trở lại / con người” dù biết con đường kia “dài hơn mọi con đường”, “phải trả giá cho mỗi phẩm chất người / dù rất nhỏ” (Đêm trên cát)... Rõ ràng, mối bận tâm của thi sĩ này không bó hẹp ở chất công dân, mà rộng lớn hơn, là chất người. Căn cốt của chất công dân là chủ nghĩa yêu nước, căn cốt của chất người là chủ nghĩa nhân văn. Nhân văn là tình yêu lớn, là chất nhân loại phổ quát của con người. Trong tình cảnh đất nước bị đe dọa, có thể chất công dân là phần nổi bật trong con người, thậm chí, đồng nhất với chất người. Song, trở về đời thường muôn thuở, chất công dân chỉ là tử số trên mẫu số lớn là chất người. 

Như thế, quan tâm đến chất người viết hoa là quan tâm trực tiếp đến vẻ đẹp nhân văn. Là tiếp cận con người trên tinh thần nhân văn chủ nghĩa. Thêm một thi sĩ chân chính xuất hiện là một tinh thần nhân văn mới nào đấy lên tiếng, đó là quy luật. Quy luật ấy không ngoại trừ Thanh Thảo.

*
Nhưng, có thi sĩ nào lại chẳng nói đến chất người, dù nhiều dù ít. Dừng ở hai chữ “chất người” rất chung đó thôi, làm sao đủ hình dung Thanh Thảo! Vậy là cần đi tiếp: chất người mà Thanh Thảo quan niệm là gì? Cũng ngay trong thi phẩm đầu tay kia, dường như đã có câu trả lời: 

chúng tôi không muốn chết vì hư danh
không thể chết vì tiền bạc
chúng tôi lạ xa với những tin tưởng điên cuồng
những liều thân vô ích
đất nước đẹp mênh mang
đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt
chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết!
đêm nay ai cầm tay nhau vào tiệc cưới 
ai thức trắng lội sình
ai trầm ngâm viết những câu thơ thông minh
ai trả nghĩa đời mình bằng máu
màu đỏ thật không ồn ào
máu lặng lẽ ướt đầm ngực áo
Day dở mà quyết liệt đến thế này, chỉ có thể là tiếng nói khi cuộc chiến đã vào hồi khốc liệt nhất. Không còn bồng bột nông nổi, không thể đơn giản vô tư như hồi đầu. Người lính quý vô ngần sinh mệnh bản thân. Nhưng vẫn sẵn sàng xả thân. Xả thân lặng lẽ. Không phải vì vinh quang hay cuồng tín. Chỉ vì nghĩa lớn. Chỉ để “trả nghĩa đời mình bằng máu”, thế thôi. Nghĩa, đó là lẽ sống, lẽ chết, lẽ đời của họ. Nghĩa khí là bản tính, là phẩm giá, là sức mạnh của họ. Mẫu số chung của chất người ở những con người ấy chính là nghĩa khí. Bởi thế, tuy là giải phóng quân đấy, nhưng gọi họ là “chiến sĩ” e không hợp. Phải gọi là nghĩa sĩ. Nghĩa sĩ mới là vẻ đẹp riêng của người lính Thanh Thảo. Mà không chỉ có nghĩa sĩ của thời đại mới. Rồi đây, anh còn miệt mài viết về cả những nghĩa sĩ Cần Giuộc (Những nghĩa sĩ Cần Giuộc), nghĩa sĩ Ba Tơ (Bùng nổ của mùa xuân), về Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực (Cỏ vẫn mọc), về Nguyễn Đình Chiểu (Trò chuyện với nhân vật của mình), Cao Bá Quát (Đêm trên cát)... Họ đều là những nghĩa quân, những ngọn nghĩa kỳ, những nhà thơ tiết nghĩa. Họ là nghĩa khí muôn năm của dân tộc này. Viết về tâm tư mộ nghĩa, chí khí dấy nghĩa của người xưa và cả người nay là cảm hứng lớn của đời Thanh Thảo. Với anh, viết như thế là dấy nghĩa mà cũng là trả nghĩa. Cho nên, sẽ chẳng có gì là quá lời khi bảo rằng: viết về nghĩa khí và viết bằng nghĩa khí là một mãnh lực của ngòi bút Thanh Thảo. 
2. Lửa và Nước
Tuy nhiên, Thanh Thảo không phải là nhà đạo đức. Trước sau, anh là một thi sĩ. Thơ không thể là những giáo huấn về chất người, dù là về nghĩa khí. Thơ phải là một thế giới tinh diệu thăng hoa từ điệu hồn thi sĩ. Nghĩa khí là tinh huyết nuôi dưỡng cõi thơ Thanh Thảo, cũng là tinh khí tụ kết từ cõi thơ ấy. Song, nghĩa khí đã hoá sinh thành muôn hình sắc sống động, biến hoá tinh vi và đan dệt với nhau tạo nên cả một thế giới thi ca. Mà một thế giới thi ca, xét đến cùng, là sự chuyển hoá của ba hệ thống hình tượng căn bản: hình tượng cái tôi, hình tượng người tình và hình tượng thế giới - chúng là “tam vị” mà “nhất thể”. Đồng thời, thế giới sống động ấy cũng thường kết tinh vào những biểu tượng căn bản nào thôi. Trong cõi thơ Thanh Thảo, chất người nghĩa khí được kết tụ từ những nguyên khí nào, hiển hiện trong những biểu tượng nào? Ấy là: Lửa và Nước! Từ những yếu tính của tự nhiên, chúng đã đầu quân vào thơ, trở thành những hình tượng, biểu tượng thi ca, không chỉ của riêng Thanh Thảo. Nhưng Thanh Thảo đã tựa hẳn vào hai biểu tượng đó để suy nghiệm và in vào chúng những dấu ấn riêng. Trong tư duy nghệ thuật của anh, Lửa và Nước là tượng hình kỳ diệu nhất của những vẻ đẹp Người, thậm chí, sự tương sinh của Lửa và Nước đã làm nên mỗi cá thể người: “Giọt nước nào đã khởi sự đời ta”, “Mỗi chúng mình là giọt nước / Uống đất bùn và mặt trời long lanh”, “Ngọn lửa trong bàn tay soi tìm đến ngọn nguồn”, “Những thăng trầm bao năm tháng chiến khu / Không giập nổi ngọn lửa đằm trong mắt”, “Ngọn lửa riêng bền bỉ suốt đời mình”, “gương mặt sốt soi vào vẫn sáng / bùng tự nhiên như lửa trảng dầu”, “Thế hệ chúng tôi bùng ngọn lửa chính mình / soi sáng đường đi tới”... Sẽ không thể thấy được quan niệm về chất người của thi sĩ này, nếu không giải mã những hình ảnh ấy.
Trước tiên, Lửa và Nước hoá sinh thành cặp phẩm chất Can đảm và Trung thực. Trung thực và can đảm là nguyên khí của những con người nghĩa khí. Đây là những phẩm chất cốt yếu để mỗi cá thể ngẩng cao đầu làm người. Không trung thực và can đảm, làm sao dám là mình, dám hết mình, dám tranh đấu với phường bất nghĩa, dám xả thân cho lẽ phải cuộc đời? Trong chiến tranh, can đảm và trung thực là phẩm chất cao nhất của một công dân; trong đời thường, can đảm và trung thực là phẩm chất quý nhất của một con người. Nó là nơi gặp gỡ hoà điệu của cả chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn. Không phải ngẫu nhiên, nét sáng nhất ở những nhân vật Thanh Thảo, bao giờ cũng là can đảm và trung thực, dù họ là ai: anh lính giải phóng bước vào tuổi hai mươi hay anh du kích bưng biền gan góc, là người Thượng cùng nhóm lửa Ba tơ hay người Khơ Me trụ bám địa hình Nam Bộ, là Nguyễn Trung Trực thủ lĩnh nghĩa quân hay Nguyễn Đình Chiểu nhà thơ địch khái, Cao Bá Quát nhà thơ dấy nghĩa. Lúc họ dấy nghĩa là lúc vùng tỉnh thức, những đợt sóng đột ngột trào lên, lướt qua mặt một triều đình khiếp đảm, thành ngọn lửa bùng trong đám lá tối trời, thành nước rực cháy... Bằng can đảm và trung thực, họ dám xả thân vì nghĩa lớn: “ta xin đứng lại / chiến đấu như một con người / chặn đường nỗi sợ / và chết như một con người / đã vượt lên nỗi sợ”. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên, lúc được hỏi về đức tính hàng đầu của một người làm thơ chân chính - kẻ mang sứ mệnh phát ngôn cho tự do và sự thật, cho đại nghĩa của nhân gian - Thanh Thảo đã không đắn đo gì mà xác quyết: “đức tính đầu tiên là đừng nói dối... đức tính thứ hai là đừng hèn”. Cũng dĩ nhiên, ở chiều ngược lại, anh và các nhân vật của anh sẽ ghét cay ghét đắng sự đớn hèn, khiếp nhược, thói nô lệ, cũng như sẽ dị ứng gay gắt với những kẻ dối trá “ba hoa chích choè đánh quả loanh quanh”, những thằng bất nghĩa, cặn bã: “có những lúc ra về lòng rỗng không / vì phải gặp trong cơ quan một thằng cặn bã / tôi chào đất nước tôi. Buồn quá / đất nước cùng tôi lặng lẽ trên đường”. Yêu và ghét là hai phía của cùng một thái độ, hai mặt biện chứng của một tư tưởng nghệ sĩ.
Tiếp tục cuộc hoá sinh của mình, cặp “nguyên tố” Lửa và Nước còn hoá thân thành bao chất người phong phú khác: Nhiệt huyết và Nhân hậu, Dữ dội và Âm thầm, Quyết liệt và Tươi mát... Này là hình tượng người tình, đối ảnh riêng tư của cái tôi thi sĩ. Trong các trang thơ của anh, nàng cũng là hiện thân sống động và diệu kỳ của Lửa và Nước với “thân hình em trong sáng tựa đất đai / nơi thu hút màu xanh và ngọn lửa”, với “ngọn lửa chìm trong núm vú hồng hồng”, khiến người thơ kinh ngạc: “anh chưa thấy một dòng sông nào khác / âm thầm mà dữ dội như em”. Này là hình tượng Nhân Dân, một hình tượng tổng thể, hiện thân lớn lao nhất cho quan niệm riêng về chất người của Thanh Thảo: “Tôi chưa biết có nơi nào trên trái đất / ánh mặt người lại dịu mát như nơi đây... Tôi chưa biết có nơi nào trên trái đất / ánh mặt người lại mãnh liệt như nơi đây”... Thế đấy, Nóng và Lạnh, Dương và Âm, Dữ dội và Âm thầm, Cuồng nộ và Lặng lẽ, Bất khuất và Hiền hoà, Nồng nàn và Sáng trong, Mãnh liệt và Dịu mát v.v... đều là những hoá sinh khác nhau của Lửa và Nước. Chúng kết tụ nên nghĩa khí con người. Lớp lớp những con người nghĩa khí ấy đã làm nên đất nước này: “đất nước ơi đây hết thảy con Người / bóng họ toả mênh mang ngày nắng gắt / họ đi như gió họ đứng như rừng / lúc nằm xuống họ hoá thành mặt đất”. Nói Lửa và Nước là tượng hình hoặc là cội nguồn của những chất người trong thơ Thanh Thảo, có lẽ, đều phải. Nó là đầu này mà cũng có thể là đầu kia của quá trình sinh hoá vậy.
Lửa có thể cháy trong Nước, và Nước có thể dào lên thành Lửa! Có vẻ nghịch lý. Nhưng không thế, làm sao có thể tương sinh? Nét độc đáo của hình tượng thế giới trong cõi thơ này cũng là sự tương sinh không cùng của Lửa và Nước. Người đọc luôn thấy đầy ắp những tương sinh như vậy ở tạo vật thiên nhiên vây quanh con người trong thơ Thanh Thảo: “Mặt trời lặn sâu trong nước để bùng lên đám lửa dữ dằn”, khiến cho “Nước rực cháy” và “Dòng sông lửa chảy dọc triền đêm tối”, khiến thi sĩ ngỡ ngàng: Có phải trái tim dòng sông bốc cháy. Người đọc cũng luôn thấy “Qua mặt nước lặng yên xanh ngắt / những ngọn núi đang vùng vẫy chào đời / tiếng nổ vỡ những dòng nham thạch / vọt lên từng khối lửa khổng lồ”. Sinh hoá lạ kì tất nảy nở kết hợp tân kì: Mặt trời trôi vùn vụt giữa dòng sông”, “đại dương bốc cháy”, “những con sóng bình minh”, và nhất là “những ngọn sóng mặt trời”, “khiến dòng nước sáng loà như kiếm thép”... Thật lạ lùng, trong những hình sắc ấy, Lửa và Nước lại bén duyên và giao kết với nhau. Nhưng, nói đến hệ thống hình ảnh biểu tượng làm nên thế giới thơ Thanh Thảo, làm sao có thể quên được Cỏ. Cỏ đã đầu quân và ngay lập tức làm vinh danh cho tập thơ đầu tay Dấu chân qua trảng cỏ, cỏ mọc lan tràn mãnh liệt suốt dọc đường thơ anh. Sống trong cõi thơ ấy với vô vàn biến hoá, cỏ tượng trưng cho sự đơn sơ, khiêm nhường, dân dã. Cỏ tượng trưng cho sự lãng quên, bền bỉ. Cỏ là sự sống mãnh liệt, trường tồn. Cỏ là biểu tượng của tuổi trẻ, tuổi xuân. Cỏ tượng trưng cho nhân hậu và nghĩa khí v.v... Cỏ xanh đó là Thanh Thảo. Không phải là con đẻ trực tiếp của Lửa và Nước, nhưng chính cuộc hoá sinh lâu dài và sâu xa của những nguyên khí ấy đã sinh thành cỏ Thanh Thảo. Nó là kết quả diệu kỳ từ “những chuyển hoá bí mật giữa lửa và màu xanh”, chuyển hoá âm thầm của “những giọt sương lặn vào lá cỏ” khiến “lá non ơi lá non / nhỏ mềm áp vào mặt ta nóng rực”, để cuối cùng tạo nên thứ “cỏ sắc mà ấm lắm phải không em?”. Bởi vì, theo cách hình dung của thi sĩ này, cỏ là một hiện thân gần gũi của chất người: “tôi yêu / chất người đầu tiên / những giọt sương lặn vào lá cỏ / qua nắng gắt qua bão tố / vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh / vẫn long lanh bình thản trước vầng dương”. Ta hiểu vì sao, cỏ xanh và con người nghĩa khí tựa như một cặp hình tượng song sinh trong thế giới nghệ thuật Thanh Thảo. Trong cõi thực, Lửa và Nước tương khắc nhiều hơn. Nhưng trong thơ Thanh Thảo, chúng lại tương sinh với vô vàn biến hoá, làm nên một bối cảnh, một môi sinh riêng cho những con người nghĩa khí tồn sinh và khẳng định mình. Sẽ không ngoa nếu nói rằng: sự sinh hoá của chúng đã tạo nên cõi thơ Thanh Thảo. 

*

Chúng ta đều biết, một thế giới nghệ thuật bao giờ cũng được sinh thành từ một quan niệm nào đấy. Quan niệm đích thực của một nghệ sĩ chân chính không chỉ xuất phát từ ý thức, mà còn có cội rễ rất sâu trong khí chất của thi sĩ. Khí chất tìm đến với quan niệm theo một mách bảo riêng. Thành thử, quan niệm lắm khi chỉ là sự phóng chiếu của khí chất ẩn chìm trong tạng thi sĩ đó thôi. Thậm chí, thế giới hình tượng trong một cõi thơ, xét ra, cũng chỉ là những hoá sinh sống động, theo kiểu nào đó, của những khí chất ẩn tàng trong cái tôi kia. Đó là một quy luật của nghệ thuật. Vậy, đâu là khí chất của cái tôi Thanh Thảo? 

Tôi chợt nhớ lại chừng mươi lăm năm trước, trong một đêm Quy Nhơn cùng bàn về thơ phú, thi hữu của Thanh Thảo là Nguyễn Trọng Tạo có ví anh với giọt cồn, bởi một thích thú: khi nhỏ cồn lên da, người ta cảm thấy mát lạnh; song, lúc lạnh nhất chính là lúc nó nóng nhất. Tôi cũng cho cái tạng Thanh Thảo đã được tạo bởi những khí chất phản trái của Lửa và Nước như thế. Ai đã gần anh, thì không thể không thấy phía sau vẻ phớt lạnh, luôn luôn là sự quyết liệt nồng nàn. Bao nấu nung sôi sục để tranh đấu cho lẽ phải thường lặn khuất sau một sắc diện lạnh như không.“Lặng yên trên bề mặt / gào thét dưới chiều sâu”, “núi lửa ẩn dưới tầng tầng tuyết phủ”. Lúc lạnh như băng cũng là lúc nồng như lửa. Nghịch lý mười mươi ấy chính là hấp lực riêng của con người nghĩa khí này. Nhưng dù sao, tôi vẫn khoái hình ảnh giọt rượu mạnh hơn, bởi một lý sự: rượu mới uống được chứ cồn làm sao uống! Chả nhẽ Thanh Thảo chỉ là giọt cồn sát trùng thôi ư!? Viện những điều ngang ngang ấy là vì tôi không chỉ nghĩ tới Lửa và Nước - những yếu tính của rượu - mà quan trọng hơn là những chuyển hoá lạ lùng giữa chúng. Lửa và Nước đã chưng cất lẫn nhau như thế nào mà nên rượu ấy? Những khí chất kia đã chưng cất lẫn nhau thế nào mà nên cái tạng ấy? Cứ ngỡ tương khắc, nào ngờ tương sinh. Rượu đích là thứ Nước giấu Lửa, là thứ Lửa hoá thân vào Nước để cùng đem những nồng nàn say sưa thấm vào tâm can, tâm huyết và tâm hồn. Thanh Thảo chẳng đã từng ý thức về cái tôi ấy: “Ly rượu trong hồng lên cùng ký ức / uống đi anh ngọn lửa của mình”. Bởi vậy, tôi tin Thanh Thảo là rượu mạnh, không phải cồn. Chất nghĩa khí nồng nàn chính là rượu mạnh của tâm hồn Thanh Thảo. Nghĩa khí tan thấm vào thế giới nghệ thuật kia, từ vĩ mô đến vi mô, suy cho cùng, vâng suy cho cùng, khởi nguyên từ những khí chất đó của cái tôi Thanh Thảo. Theo một lối đi vốn bí ẩn của cõi tâm, Lửa và Nước đã khởi phát từ khí chất mà len lỏi vào quan niệm, rồi sau những hôn phối âm thầm trong tâm thức thi ca mà sinh thành cả một thế giới nghệ thuật muôn vẻ. 

*
Nếu sự mô tả nghệ thuật của một thi sĩ bao giờ cũng bị chi phối bởi quan niệm riêng về cái đẹp của anh ta, thì xem ra, sự tương sinh Lửa - Nước này đã xâm nhập cả vào quan niệm về cái đẹp của Thanh Thảo. Là một thi sĩ có ý thức sâu sắc về thế hệ mình, về nghệ thuật của mình, Thanh Thảo không ngừng suy ngẫm để đúc kết thành những châm ngôn, tuyên ngôn, trước hết cho ngòi bút của mình. Cả những suy ngẫm khôn nguôi về nỗi đời, lẽ đời, cả những chiêm nghiệm khôn cùng về cái đẹp, nghệ thuật. Bài ca ống cóng là một tuyên ngôn rất sớm. Người đọc đã nhận ra ngay tuyên bố chính thức về cái đẹp riêng của chàng thi sĩ trẻ: “Bài hát của hôm nay / Thô sơ mà hực sáng / Mang lẽ đời đơn giản / Nói được tới ngày mai”. Thô sơ mà hực sáng là một sự hài hoà. Thô sơ mà hực sáng chính là cái đẹp Thanh Thảo. Nó sẽ âm thầm dẫn dắt anh tìm đến với những vẻ đẹp sáng tiềm ẩn ngay trong những gì thô sơ, giản phác, bình dị, mộc mạc. Nó sẽ lặng lẽ mách bảo cho ngòi bút của anh những điểm nhấn, điểm dừng khi sáng tạo từng vẻ đẹp thơ. Nó là la bàn vô hình trong hành trình sáng tạo của Thanh Thảo. Trong thơ anh, người ta thấy vẻ đẹp sáng có một vị thế chủ đạo. Gồm cả “sáng rực”(của lửa) và “sáng trong”(của nước). Có phải Lửa và Nước (với mọi ý nghĩa của nó) đã tìm cách giao hoà với nhau mà tạo nên dạng kết tinh tuyệt vời nhất của chúng là những vẻ “lấp lánh”, “long lanh”? Và có phải đó chính là lúc nước muốn động lên ánh lửa, còn lửa đang tĩnh tâm trong sắc nước? Bạn cứ đọc mà xem, chẳng phải “lấp lánh”, “long lanh” với những biến thể khác nhau của nó (lung linh, lóng lánh, óng ánh...) là chữ đã ám Thanh Thảo nhiều nhất hay sao? - “lung linh gương mặt người thương”, “Những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất người”, “Ngước nhìn mút mắt khoảng trời long lanh”, “ Tiếng cười trẻ con như hòn bi ve lóng lánh”, “Đôi khi dưới vết bánh xe / có những hạt ngọc / tuổi thơ lấp lánh qua đám bụi”, “Tiếng ve thức giấc / long lanh ánh ngày”, “buổi sáng những trái dừa long lanh chùm ngọc bích”, “Giọt nước mắt vầng trăng / long lanh trong đáy giếng”, “Cây ngời sáng long lanh như hồi chuông”, “Lem luốc niềm vui lóng lánh vẩy cá”, “Chim sẻ ơi từ đâu đến đậu ban công nhà ta lung linh như giọt nước”, “Những sợi rác óng ánh dưới mỏ chim”, “Nắng lấp lánh trên những đài mây trắng”, “tiếng cu gù óng ả lùm tre”... Vẻ đẹp sáng như thế đã thành một thứ chuẩn mực điều khiển ngòi bút sáng tạo của Thanh Thảo. Có lẽ thi sĩ đích thực nào cũng thấm thía rằng: cái đẹp thường chỉ phát lộ trong khoảnh khắc. Vì vậy, cần phải săn rình cái khoảnh khắc mà cái đẹp đột hiện, để chớp lấy như những phút xuất thần. Thanh Thảo cũng tin thế. Lóe sáng một lần, rồi ngắt đã là những khoảnh khắc dệt nên thế giới thơ Thanh Thảo. Trong khoảnh khắc kia, cái “thô sơ” bất ngờ “hực sáng”, cái “mộc mạc” đột ngột “lung linh”, vẻ “lem luốc” đột nhiên “lóng lánh”, những gương mặt thân quen bất chợt “ngẩng lên lấp lánh chất người”. Chính những khoảnh khắc như thế đã ban tặng cho thi sĩ cái hạnh phúc được bắt gặp bao vẻ diệu kì trong thế giới này, nhất là vẻ diệu kì nơi “Gương mặt sáng trong / như tiếng chuông mùa thu”của con người...

Như vậy, tôi đã lần theo sự dẫn dắt của Lửa và Nước để tìm vào chất người chất thơ Thanh Thảo. Nói cho cùng, ở ai chẳng có hai thứ “nguyên khí” ấy. Con người ta khác nhau chỉ vì kiểu kết hợp của chúng ở từng cá thể không giống nhau. Thanh Thảo có khí chất và diện mạo như thế là bởi Lửa và Nước đã tương khắc tương sinh như thế. Dầu sao, cũng cần thấy rằng, nếu Lửa là nóng và sáng, Nước là mát và trong, thì hình như Lửa trong anh có phần bốc hơn. Thơ Thanh Thảo có vẻ là thứ thơ vượng hoả. Nghĩa khí, chí khí, hào khí sung hơn so với nhã khí, thanh khí, bình khí. Nó cho anh sở trường trong việc tiếp cận cái Cao cả. Có viết về cái Đời thường, thì cũng tiếp cận trên tinh thần Cao cả. Dễ hiểu vì sao, đọc thơ anh, người ta có cảm giác vẻ đẹp tráng mỹ thường lấn vượt vẻ đẹp ưu mỹ, tình cảm lớn trội hơn tình cảm nhỏ, tình đôi lứa luôn khiêm cung trước tình đời. Đó âu cũng là một cái tạng thơ vậỵ.
Sưu tầm

Leave a Reply